Dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát dữ dội ở Việt Nam và đặt chúng ta vào những thử thách vô cùng to lớn. Tính đến cuối tuần này đã có hơn 20 tỉnh thành của Việt Nam buộc phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ trong đó có 2 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Tp HCM. Số ca nhiễm bênh mới cũng không ngừng tăng và đạt trên 7.000 ca mỗi ngày.
Những diễn biến đó cho thấy Việt Nam đang phải chống chọi với sự lây lan dịch bệnh chưa từng có từ trước tới nay. Liệu rằng dịch bệnh này ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng?Nhìn lại tác động đối với kinh tế thế giới
Đại dịch Covid -19 đã lan ra toàn cầu và là một đại dịch chưa từng có kể từ chiến tranh thế giới lần thứ 2 đến nay. Hầu hết các nền kinh tế đã suy giảm mạnh, mọi hoạt động kinh tế, xã hội dường như đảo lộn. Theo số liệu thống kê đến nay thế giới đã có hơn 200 triệu người nhiễm bệnh và có hơn 4 triệu người chết liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Tổng số ca nhiễm đang điều trị hiện nay khoảng 12 triệu người. Số lượng người nhiễm bệnh ở Ấn Đô, Indonesia và châu Mỹ La Tinh tiếp tục ở mức rất cao. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đã khả quan hơn khi vắc xin covid-19 đã nhanh chóng sản xuất và được tiêm chủng rộng rãi ở nhiều quốc gia. Ở các nước phát triển số lượng người tiêm chủng phần lớn đã đạt trên 60% và tình hình dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát. Đối với kinh tế sau khi suy giảm mạnh vào quý 2 năm 2020, dù phải đối phó với sự lan rộng của dịch bệnh nhưng hầu hết nền kinh tế đều đã dần phục hồi từ quý 3 năm 2020. Năm 2020, GDP hầu hết quốc gia đã tăng trưởng âm, thậm chí âm sâu ở mức 3-7% tại các nước phát triển châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Tổng kết năm 2020, kinh tế toàn cầu suy giảm khoảng 3,5%, thương mại toàn cầu giảm 8%.(Ngân hàng Thế giới dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng rất tích cực và là một trong những quốc gia có mức trăng trưởng cao nhất nhất thế giới)
Tuy nhiên, một thông tin tích cực là hiện nay kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Theo dự báo của ngân hàng thế giới thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 có thể đạt mức 5,6%. Động lực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu là sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Mỹ và Trung Quốc. Rất nhiều hoạt động kinh tế của nhiều quốc gia đang dần trở lại bình thường. Nhu cầu về hàng hóa tăng mạnh khiến cho giá cả nhiều mặt hàng tăng, cước vận tải biển cũng tăng chóng mặt. Nguyên nhân sâu xa hơn trong sự phục hồi này chính là những tiến bộ vượt bậc trong việc sản xuất vắc xin bệnh virus này. Hiện đã có khoảng 10 loại vắc xin ngừa bệnh được cấp phép lưu hành khẩn cấp. Thống kê, cho thấy trên toàn thế giới hiện đã có khoảng 3,8 tỷ liều vắc xin được tiêm. Mỗi ngày đang có khoảng 30,8 triệu liệu vắc xin được tiêm. Hầu hết quốc gia phát triển đã có tỷ lệ tiêm vắc xin trên 50%, thậm chí đạt trên 70%. Quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc đến thời điểm hiện tại đã có tỷ lệ người tiêm vắc xin đạt 43%, Ấn Độ đạt 22,27%, Indonesia và Thái Lan đạt khoảng 14%. Việt Nam nằm trong nhóm có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp nhất vào khoảng 4%. Triển vọng kiểm soát dịch bệnh covid -19 trên thế giới đang rất sáng sủa. Nhiều quốc gia ở châu Âu hầu như đã mở cửa mọi hoạt động kinh tế trở lại ở mức bình thường. Dịch bệnh không còn là mối quan ngại lớn nhất của người dân trong giai đoạn hiện nay. Các nước đang triển khai một cách nhanh chóng “hộ chiếu vắc xin” để đẩy mạnh các hoạt động xuyên biên giới. Các ngành du lịch, dịch vụ, vận tải hàng không đang trên đà phục hồi rất ấn tượng. Trên thực tế kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi mạnh kể từ quý 3 năm 2020 ngay tại thời điểm dịch bệnh vẫn đang bùng phát dữ dội. Tuy vậy, do suy giảm mạnh trước đó kết thúc năm 2020 hầu hết các nền kinh tế chỉ còn suy giảm 6-7%. Hiện nay, hầu hết nền kinh tế đều đã tăng trưởng mạnh trở lại và sẽ phục hồi về trước lúc bùng nổ đại dịch vào cuối năm nay. Sở dĩ các nền kinh tế không bị suy thoái kéo dài là do các Chính phủ đã có hành động mạnh mẽ trong việc chống lại suy thoái kinh tế. Hầu hết quốc gia chấp nhận mức thâm hụt ngân sách cao để tung tiền ra hỗ trợ cho người dân bằng cách phát tiền trực tiếp cho người dân, giảm thuế và nới lỏng các điều kiện cho vay vốn. Chính sách này đã duy trì sức mua trong nền kinh tế giúp cho cầu hàng hóa nhanh chóng phục hồi khi đại dịch dần kiểm soát. Về chính sách tiền tệ các ngân hàng trung ương cũng tăng cường hỗ trợ cho hệ thống tài chính bằng cách đưa lãi suất chính sách về mức rất thấp và tăng cường bơm tiền qua thị trường mở để duy trì thanh khoản cho hệ thống tài chính. Do đó dù kinh tế suy giảm, doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng số lượng doanh nghiệp phá sản không cao và không có khủng hoảng tài chính diễn ra. Điều này giúp doanh nghiệp vẫn duy trì được năng lực sản xuất để nhanh chóng phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, triển vọng kinh tế thế giới thời gian tới là khá tích cực. GDP toàn cầu năm 2021 có thể phục hồi 5,6%, sau khi suy giảm khoảng 3,5% năm trước. Năm 2022 và 2023 kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng 4,3 và 3,1%.(Kinh tế năm 2021 sẽ có sự phục hồi rất mạnh mẽ bởi dịch bệnh về cơ bản đang được kiểm soát. Tuy nhiên, không có sự phục hồi đồng đều ở những quốc gia. Những quốc gia thu nhập thấp gặp khó khăn trong tiếp cận vắc xin sẽ phục hồi chậm hơn).
Các quốc gia là đầu tàu dẫn dắt kinh tế thế giới phục hồi là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhu cầu tiêu dùng tại các quốc gia này đang tăng mạnh và hoạt động sản xuất đang dần trở lại bình thường. Cụ thể, kinh tế Hoa Kỳ được dự báo tăng đến 6,8%, châu Âu tăng 4,2%, Trung Quốc tăng 8,5%. Thương mại toàn cầu cũng được dự báo sẽ tăng mạnh trong này. Điều này thể hiện rõ nhất qua việc giá cả hàng hóa, cước vận tải biển tăng mạnh. Ngân hàng Thế giới cũng dự báo thương mại toàn cầu năm 2021 có thể tăng trên 10%. Những dự báo của Ngân hàng Thế giới là hoàn toàn có cơ sở bởi diễn biến thực tại cũng như kinh nghiệm phục hồi từ các cuộc khủng hoảng trong những năm trước đây. Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo sự phục hồi này diễn ra không đồng đều ở các quốc gia. Những quốc gia có thu nhập thấp, quốc gia đang phát triển thì sự phục hồi sẽ khó khăn hơn bởi chưa thể triển khai tiêm phòng vắc xin trên diện rộng.