Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn vững vàng trong đại dịch Covid-19, giá bất động sản công nghiệp và bất động sản nhà ở đều tăng cao.
Ảnh: GettyImages
Giá cho thuê văn phòng tăng trong năm 2020? Tăng trưởng kinh tế dương trong khi toàn thế giới đang đương đầu với cuộc khủng hoảng y tế? Tại rất nhiều nơi trên thế giới, điều này dường như không tưởng, tuy nhiên ở Việt Nam, mọi chuyện lại hoàn toàn khác – Forbes đặt vấn đề trong một bài viết mới đây.
Những gì Việt Nam đã làm được trong năm vừa qua rất ấn tượng nếu xét đến nhiều thách thức về y tế và kinh tế mà toàn thế giới phải đương đầu. Việt Nam đã kiểm soát rất tốt đại dịch Covid-19, đất nước 96 triệu dân này công bố 2.631 trường hợp nhiễm Covid-19 và 35 ca tử vong tính đến thời điểm bài báo được Forbes đăng tải.
Trong cùng khoảng thời gian trên, kinh tế Việt Nam vượt qua tất cả các đối thủ tại châu Á xét về tốc độ tăng trưởng GDP. Kinh tế Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 2,9%, con số rất ấn tượng nếu so với việc GDP một số nước láng giềng như Thái Lan hay Malaysia có mức suy giảm GDP lần lượt lên đến 6,1% và 5,6% trong năm 2020.
Thị trường bất động sản Việt Nam tăng trưởng tốt trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế đẩy giá bất động sản tăng. Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn vững vàng trong đại dịch Covid-19, giá bất động sản công nghiệp và bất động sản nhà ở đều tăng cao.
Thành công của Việt Nam trong kiểm soát đại dịch Covid-19 có nguyên nhân trực tiếp từ cách hành động nhanh gọn của Chính phủ. Khi mà virus corona lây lan ra ngoài biên giới Trung Quốc từ đầu năm 2020, Việt Nam đã ngay lập tức đóng cửa biên giới, trường học và nhiều loại hình kinh doanh để ngăn dịch lây lan mạnh.
Nhờ các biện pháp quyết liệt như vậy mà từ đầu tháng 5/2020, các biện pháp cách ly đã được gỡ bỏ, người dân đã có thể khôi phục lại cuộc sống bình thường, kinh tế nội địa hoạt động lại ổn định trong khi kinh tế thế giới vẫn đang có nhiều khó khăn, chật vật với các biện pháp phong tỏa. Khi các nhà máy mở cửa trở lại và các dự án xây dựng được nối lại, thị trường bất động sản Việt Nam đã có lại động lực tăng trưởng.
Trên thị trường bất động sản Việt Nam, phân khúc tăng trưởng nổi bật nhất phải kể đến bất động sản công nghiệp vốn hưởng lợi từ việc ngành sản xuất tăng trưởng bùng nổ.
Nhiều doanh nghiệp như Nike, Adidas, Samsung đã chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam bởi chi phí nhân công, sản xuất tại Trung Quốc tăng cao cũng như Trung Quốc đang trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Theo các số liệu thống kê, trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng đến 435%.
Nhu cầu sản xuất tăng cao, thị trường cũng đã có những phản ứng. Giá bất động sản công nghiệp tại TP.HCM tăng 9% trong năm 2019 và thêm 10,6% trong năm 2020, theo số liệu của Cushman & Wakefield (số liệu trong bài báo này chủ yếu tập trung vào thị trường TP.HCM bởi quy mô lớn của khu vực này tính trong tổng sản lượng kinh tế của Việt Nam).
Thị trường bất động sản nhà ở của Việt Nam cũng tăng trưởng chưa từng thấy trong những năm gần đây. Bởi lựa chọn đầu tư của người Việt Nam hạn chế, nhu cầu căn hộ đã vượt quá nguồn cung, nhiều dự án mới nhanh chóng bán hết chỉ không lâu sau khi mở bán.
Cũng theo Cushman & Wakefield, giá căn hộ tại TP.HCM cũng tăng đáng kể và trong khoảng thời gian 3 năm từ năm 2017 đến năm 2020 tăng rất cao, chỉ riêng năm đại dịch 2020 đã tăng đến 12,8%.
Tất nhiên cũng phải nói đến việc nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thị trường, tuy nhiên phần lớn tăng trưởng đến từ công dân Việt Nam. Thành công trong phát triển kinh tế của Việt Nam kết hợp với tầng lớp trung lưu ngày một phình to đã giúp mang đến động lực tăng trưởng quan trọng cho thị trường nhà đất, hiện không có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường này sẽ sớm tăng trưởng chững lại.
Trên khắp thế giới, thị trường bất động sản văn phòng chịu ảnh hưởng nặng nề khi mà nhiều người lựa chọn làm việc tại nhà và nhiều doanh nghiệp tiếp tục lựa chọn mô hình làm việc linh hoạt, triển vọng của thị trường bất động sản văn phòng vì vậy còn chưa chắc chắn. Dù vậy, tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế cao đã đẩy giá thuê văn phòng tại TP.HCM tăng 1,7% trong năm 2020 còn giá thuê văn phòng tại Bangkok, Singapore và Hồng Kông đều giảm đáng kể.
Ông Paul Fisher, giám đốc phụ trách Việt Nam của công ty bất động sản JLL, cho rằng Việt Nam sẽ vẫn lựa chọn mô hình văn phòng là số 1. Ông nhấn mạnh rằng việc thiếu tương tác không khỏi gây ra áp lực lên những người làm việc cùng nhóm, cùng lúc đó phần đông sẽ vẫn lựa chọn văn phòng là nơi tập trung của các hoạt động kinh doanh. Khi mà tương lai của bất động sản văn phòng còn khá ảm đạm trên khắp thế giới, thói quen làm việc tại Việt Nam dường như không thay đổi nhiều bởi thời gian giãn cách xã hội ngắn và nền tảng công nghệ còn nhiều hạn chế.
Cũng giống như phần còn lại của thế giới, năm 2020 là năm khó khăn của thị trường bất động sản khách sạn, công suất phòng chỉ đạt 20-30% trong phần lớn năm. Dù rằng thị trường sẽ chỉ hồi phục dần dần, triển vọng của thị trường vẫn tốt xét đến việc trước đại dịch, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng đều qua các năm và Việt Nam được coi như điểm đến hấp dẫn trong mắt người nước ngoài.
Chính phủ Việt Nam cũng đang tạo điều kiện tốt cho sự phát triển của ngành du lịch bằng cách đầu tư mạnh vào hạ tầng du lịch: sân bay thứ 2 tại TP.HCM với tổng số vốn đầu tư ước tính 4,7 tỷ USD đã được khởi công, còn Đà Nẵng đã mở thêm một nhà ga quốc tế.
Việt Nam cũng được cho là điểm đến quan trọng của dòng vốn đầu tư, sự quan tâm của nhà đầu tư tổ chức đã giúp FDI trực tiếp vào Việt Nam tăng trưởng 75% trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2019. Quỹ đầu tư tư nhân KKR & Co là một trong những quỹ đầu tư đang nhắm đến Việt Nam, quỹ cho biết sẽ tăng gấp 3 tiền đầu tư vào Việt Nam trong thập kỷ tới sau khi mua cổ phần tại Vinhomes thời gian gần đây.
Tuy nhiên, theo Forbes, Việt Nam vẫn là một thị trường có nhiều rào cản gia nhập thị trường với nhà đầu tư mới. Dù rằng chính phủ Việt Nam gần đây đã có nhiều nỗ lực trong việc số hóa hệ thống thanh toán, thế nhưng nhiều giao dịch bất động sản hai bên vẫn được thực hiện bằng tiền hoặc vàng.
Hơn thế nữa, mới chỉ có 31% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng và hơn 95% giao dịch thanh toán được thực hiện bằng tiền mặt hoặc vàng. Tất cả những con số trên cho thấy Việt Nam vẫn là thị trường đang phát triển dù tất nhiên nó không làm nản lòng nhà đầu tư.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2021, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ vẫn có đóng góp quan trọng vào kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Ngọc Diệp