Để các vấn đề pháp lý liên quan đến bất động sản đi vào đời sống rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương trong khâu thực thi pháp luật, tháo gỡ các ách tắc trong các dự án đầu tư, dự án nhà ở thương mại.
Nghị định số 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, ban hành ngày 18/12/2020, chính thức có hiệu lực ngày 08/2/2021, kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong khâu hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Năm 2020, chỉ có hơn 20 dự án đủ điều kiện bán ra thị trường
Trong báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong 3 quý đầu năm 2020 chỉ có 20 dự án mới đủ điều kiện bán ra thị trường, giảm 12 dự án tương đương giảm 37,5% so với cùng kỳ 2019. Trong 20 dự án được huy động vốn chỉ có 6.722 căn nhà được bán, giảm tới 65,8% so với 9 tháng đầu năm 2020.
Nguyên nhân chủ yếu của việc có quá ít dự án được mở bán trong năm 2020 là do vướng mắc trong khâu hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA những dự án bị vướng thủ tục thường là do bộ hồ sơ pháp lý của dự án tuy đã tương đối đầy đủ nhưng chỉ còn thiếu những quyết định phê duyệt của UBND TP.HCM về việc cho thu hồi đất, và chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất dự án cho doanh nghiệp sử dụng.
Cách đây gần đúng 1 năm vào ngày mùng 1 tết Nguyên đán 2020, ông Bùi Thành Nhơn Chủ tịch Novaland đã từng gửi đơn kêu cứu đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc gặp bế tắc trong triển khai dự án Water Bay có diện tích hơn 30 ha tại quận 2. Trong năm 2020, Novaland hầu như không có dự án mới nào tại TP.HCM cung cấp ra thị trường, hiện giờ doanh nghiệp này đang tích cực triển khai các dự án tại các tỉnh: Đồng Nai, Bình Thuận, Vũng Tàu…
Novaland là một trong những doanh nghiệp BĐS top đầu tại TP.HCM với quỹ đất lớn nhưng vẫn chưa thể vượt qua được các khó khăn của thủ tục pháp lý để đưa các dự án vào khai thác kinh doanh.
Sau nhiều năm đi làm, anh Dũ – Trưởng phòng Kinh doanh của một công ty Công nghệ thông tin tại quận Tân Bình tích cóp được một số vốn gửi ngân hàng, thấy lãi suất vay ngân hàng hạ thấp anh Vũ bàn với vợ tìm mua căn hộ khoảng 3 tỷ đồng cho hai vợ chồng và đứa con trai 5 tuổi ở.
“Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát nền kinh tế có nhiều khó khăn nên ngành ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay. Thấy lãi suất vay ngân hàng xuống thấp nên vợ chồng tôi quyết định tìm mua căn hộ cho gia đình ở nhưng suốt gần 1 năm tìm kiếm mới biết số lượng căn hộ bình dân bán ra thị trường rất ít, và giá cũng không còn bình dân nữa, 60 triệu đồng/m2, tính ra căn hộ 2 phòng ngủ 65-70m là 3,9-4,2 tỷ đồng, đã vượt quá khả năng tài chính của tôi”, anh Vũ chia sẻ.
Nghị định 148, giúp “cởi trói” ngành bất động sản
Để doanh nghiệp có quỹ đất nhưng không thể triển khai được dự án dẫn đến không có sản phẩm bán ra thị trường mà vẫn trả lãi vay ngân hàng, khiến doanh nghiệp chịu gánh nặng tài chính rất lớn. Và để các nhân viên văn phòng như anh Vũ không từ bỏ giấc mơ làm chủ 1 căn hộ bình dân, thì Nghị định số 148/2020/NĐ-CP sửa đổi sẽ giúp giải quyết nhiều bất cập và chồng chéo giữa những bộ luật đang áp vào ngành BĐS được các doanh nghiệp BĐS mong chờ từ lâu.
Nghị định hướng dẫn rõ việc giao đất, cho thuê đất dối với các thửa đất do Nhà nước quản lý; sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua hình thức mua bán tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán, hoặc để bán kết hợp cho thuê; trình tự , thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nhà nước đã có nhiều chính sách mới được ban hành ra trong năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, như: Luật Đầu tư năm 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) năm 2020, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), kết hợp sửa đổi một số điều của Luật nhà ở, Luật kinh doanh BĐS, Luật bảo vệ môi trường. Đây sẽ tạo tiền đề giúp ngành BĐS tháo gỡ được các vướn mắc khó khăn để có thể cung cấp cho thị trường nhiều dự án hơn, giúp giải tỏa cơn khác nguồn cung tồn tại quá lâu của thị trường.
Với một loạt nghị định và bộ luật được sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, cho thấy sự lắng nghe và quyết tâm hóa giải các vấn đề pháp lý của doanh nghiệp từ Chính phủ. Nhưng để các vấn đề pháp lý liên quan đến BĐS đi vào đời sống rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương trong khâu thự thi pháp luật, tháo gỡ các ách tắc trong các dự án đầu tư, dự án nhà ở thương mại nhằm thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ đề ra, vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế vững chắc.
Cùng với động lực từ việc thành phố Thủ Đức ra đời, Việt Nam đang kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, Ngân hàng Thế giới dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2021 tăng trưởng 6,8%, sẽ thúc đấy thị trường BĐS TP.HCM tăng tốc trong năm 2021.
Duy Khang